Một lời phàn nàn rất phổ biến của nhân viên về quản lý trực tiếp của là không được coach (huấn luyện) đầy đủ từ cấp trên. Có những lý do chính đáng cho việc này nếu cân nhắc thời gian của các quản lý thật sự đắt đỏ, và hơn nữa họ cũng phải dồn lực vào việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, phần lớn nhân viên không nhận ra rằng vẫn có cách để tháo gỡ vấn đề và mang tới thành công và sự phát triển cho cả hai bên.
Hôm nay, hãy cùng xem xét ba lý do khiến các lãnh đạo ngần ngại trong việc coach nhân viên và rút ra những giải pháp khả quan cho mỗi bên.
Lý do #1: Nhiều quản lý không cho rằng nhân viên có trình độ lại cần huấn luyện
Theo Peter Drucker, một nhân viên có trình độ là người “biết rõ những gì mình cần phải làm hơn cả cấp trên của họ”. Rất nhiều quản lý bất ngờ với việc nhân viên báo cáo trực tiếp của họ vẫn muốn được họ huấn luyện dù cho những nhân viên này có trình độ chuyên môn sâu hơn quản lý. Đồng thời, một số nhân viên còn mong muốn những chỉ dẫn cụ thể về cách thức làm việc.
Giải pháp: Điều mà nhân viên cấp dưới cần và luôn tìm kiếm chính là sự trao đổi thường xuyên với quản lý của họ về “bức tranh toàn cảnh”, và công việc của họ đã đóng góp cho cho sự thay đổi của tổ chức như thế nào. Hoàn toàn tùy thuộc vào người quản lý để đưa ra tầm nhìn toàn cảnh đó và huấn luyện nhân viên hướng tới tầm nhìn này. Nếu bạn là Chuyên gia khai vấn cho các lãnh đạo, hãy chỉ cho họ sự khác biệt khi huấn luyện nhân viên theo cách này, nó không chỉ là điều hợp lý mà còn là một phần trách nhiệm mà một quản lý cần phải làm.
Lý do #2: Lãnh đạo cấp cao có lịch trình làm việc quá bận rộn
Thường các quản lý rất nhạy cảm về cách sử dụng thời gian làm việc. Nhân viên của họ tuy vậy cũng bận bịu không kém gì chính họ. Nếu như việc huấn luyện bị nhìn nhận như một quá trình phức tạp và tốn thời gian thì nó sẽ không được tiến hành.
Giải pháp: Nhân viên thường muốn những buổi gặp cập nhật báo cáo nhanh hơn là những buổi coach kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Họ muốn biết liệu họ có đang đi đúng hướng hay không. Tần suất thường quan trọng hơn là thời lượng của những cuộc trao đổi như thế này. Việc xếp lịch cho những buổi báo cáo ngắn trong lịch của các quản lý luôn là một giải pháp hiệu quả.
Lý do #3: Lãnh đạo muốn tránh những phản hồi tiêu cực
Các nhà quản lý hiểu rằng một khi các nhân viên giỏi không hài lòng với công việc và cấp trên của mình, họ có thể sẽ dễ dàng rời bỏ tổ chức. Do vậy để tránh việc đẩy họ ra xa, nhiều quản lý né tránh những tình huống có thể có những phản hồi tiêu cực theo kiểu huấn luyện truyền thống.
Giải pháp: Mặc dù những người thành công thường có xu hướng kháng cự lại những phản hồi tiêu cực về hành vi trong quá khứ của họ, nhưng họ lại có những hồi đáp rất cầu thị với những gợi ý tích cực về định hướng tương lai. Trong khái niệm “Phản hồi cho tương lai” (Feedforward) vẫn được thực hiện trong phương pháp “Huấn luyện tập trung vào các đối tượng tham gia” của Marshall Goldsmith,, các nhân viên sẽ nhận được 1 – 2 gợi ý về cách họ có thể cải tiến trong tương lai hơn là bị ép phải kiểm điểm lại quá khứ.
Theo Marshall Goldsmith